Nên dùng các sản phẩm không chứa Sulfate, Paraben và Silicone
Trong những năm gần đây, việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc tóc đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều người tiêu dùng. Các cụm từ như “không chứa Sulfate, Paraben và Silicone” xuất hiện ngày càng nhiều trên bao bì sản phẩm, nhưng bạn đã thực sự hiểu rõ vì sao nên tránh những thành phần này? Hãy cùng Visante tìm hiểu lý do bạn nên lựa chọn dầu gội không chứa Sulfate, Paraben và Silicone để chăm sóc tóc và da đầu một cách hiệu quả nhất.
Sulfate
Hóa chất sulfate trong mỹ phẩm có hại không?
Sulfate là các chất hoạt động bề mặt thường gặp, chủ yếu là Sodium Lauryl Sulfate (SLS) và Sodium Laureth Sulfate (SLES). Ngoài ra, bạn có thể bắt gặp một số loại sulfate khác trong thành phần mỹ phẩm như Lauryl Sulfoacetate Sodium, Lauroyl Isethionate, và Sodium Lauroyl Taurate. Chúng giúp tạo bọt và loại bỏ bụi bẩn, nhưng đồng thời cũng làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da và tóc, dẫn đến tình trạng tóc khô xơ và dễ gãy rụng. Đặc biệt, sulfate có thể gây kích ứng với những người có làn da nhạy cảm hoặc mắc các bệnh lý về da như chàm, vẩy nến.[1]
Dù có khả năng gây khô da và kích ứng, nhưng sulfate không phải là chất độc hại. Các nghiên cứu đáng tin cậy đã chỉ ra rằng khi được sử dụng trong mỹ phẩm, SLS và SLES không có bất kỳ tác động có hại nào đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu bạn có da nhạy cảm hoặc dễ bị kích ứng, việc chọn các sản phẩm không chứa sulfate vẫn là lựa chọn an toàn hơn [2].
Paraben
Nguy cơ tiềm ẩn của Paraben
Paraben là ester của axit para-hydroxybenzoic, được sử dụng như một chất bảo quản phổ rộng trong mỹ phẩm trong nhiều thập kỷ. Những loại paraben phổ biến nhất trong các sản phẩm chăm sóc tóc bao gồm: Butylparaben, Methylparaben, Isoparaben, và Propylparaben. Các nhà phát triển sản phẩm sử dụng paraben để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Tuy nhiên, chúng cũng gây ra nhiều tranh cãi vì khả năng bắt chước hormone estrogen trong cơ thể. Cùng điểm qua những nguy cơ tiềm ẩn của Paraben:
- Nguy cơ ảnh hưởng đến nội tiết tố: Một số nghiên cứu cho rằng Paraben có khả năng làm rối loạn nội tiết tố và liên quan đến ung thư vú. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nghiên cứu này thường sử dụng Paraben ở liều lượng rất cao, trong khi nồng độ trong mỹ phẩm thường rất thấp, dưới 1%. Chưa có một kết luận chính thức nào của FDA về việc paraben và các dẫn chất của nó có thể gây ung thư hay chết người,…. Dù vậy, việc lựa chọn dầu gội không chứa Paraben vẫn là lựa chọn an toàn hơn cho sức khỏe. [3], [4]
- Có khả năng gây dị ứng: Với những người có làn da nhạy cảm, paraben có thể gây viêm da dị ứng hoặc kích ứng da.Vì thế bạn có thể cân nhắc đến việc thay thế bằng sản phẩm chứa các chất bảo quản lành tính hơn [5].
Silicone
Silicone thường dùng để làm gì?
Silicone là một nhóm các chất bán lỏng có nguồn gốc từ thành phần khoáng thiên nhiên silica. Các loại silicone phổ biến trong mỹ phẩm bao gồm Cyclomethicone, Dimethicone và Silanols (Dimethiconol). Silicone thường được sử dụng để tạo cảm giác mềm mượt và giúp các thành phần khác trong sản phẩm trải đều hơn. Và những tác động của Silicone với tóc:
- Tích tụ và gây nặng tóc: Mặc dù có ý kiến cho rằng Silicone có thể gây bít tắc da đầu và dẫn đến tình trạng mụn, thực tế các phân tử Silicone có kích thước lớn và cấu trúc rỗng, nên khó có khả năng bít kín lỗ chân lông hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không làm sạch đúng cách, Silicone có thể giữ lại dầu nhờn và bụi bẩn, làm tóc có cảm giác nặng nề và dễ khô xơ hơn sau một thời gian sử dụng. [6].
- Gây hại cho môi trường: Về ảnh hưởng của silicon đến môi trường và hệ sinh thái thì có nhiều quan điểm trái chiều. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy Silicone không gây hại cho các sinh vật biển hay sinh vật sống trong đất, vẫn tồn tại lo ngại về việc một số loại Silicone không thể phân hủy sinh học hoàn toàn, gây tích lũy trong môi trường và chuỗi thức ăn [7].
Tại sao bạn nên chọn dầu gội không chứa Sulfate, Paraben và Silicone?
Việc lựa chọn dầu gội không chứa Sulfate, Paraben và Silicone giúp bảo vệ tóc và da đầu một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với những người có làn da nhạy cảm hoặc tóc nhuộm. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm an toàn hơn cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe lâu dài. Đừng quên theo dõi Visante để cập nhật những kiến thức về chăm sóc sắc đẹp nhé!
Tài liệu tham khảo
[1] Bergfeld, W. F., et al. “Safety of ingredients used in cosmetics.” Journal of the American Academy of Dermatology 52.1 (2005): 125-132.
[2] Bujak, T., et al. “Sodium lauryl sulfate vs. sodium coco sulfate. Study of the Safety of Use Anionic Surfactants with Respect to Their Interaction with the Skin.” Tenside Surfactants Detergents 56.2 (2019): 126-133.
[3] Darbre, P. D., et al. “Concentrations of parabens in human breast tumours.” Journal of Applied Toxicology: An International Journal 24.1 (2004): 5-13.
[4] Cherian, P., et al. “Amended safety assessment of parabens as used in cosmetics.” International journal of toxicology 39.1_suppl (2020): 5S-97S.
[5] Mowad, Christen M. “Allergic contact dermatitis caused by parabens: 2 case reports and a review.” American Journal of Contact Dermatitis 11.1 (2000): 53-56.
[6] Araújo, Lidiane Advincula de, Flavia Addor, and Patrícia Maria Berardo Gonçalves Maia Campos. “Use of silicon for skin and hair care: an approach of chemical forms available and efficacy.” Anais brasileiros de dermatologia 91 (2016): 0331-0335.
[7] Sayyed, Anwar, and Rahul Kulkarni. “Silicone chemicals in cosmetics applications and their implications to the environment, health and sustainability.” 30.10-2022 (2022): 18-24