Hạt bí ngô là một loại thực phẩm quen thuộc tại Việt Nam, sau khi phơi khô và rang có thể sử dụng như thức ăn vặt hoặc làm nguyên liệu cho các món ăn khác. Nhưng không phải ai cũng biết rằng hạt bí ngô còn là một nguồn nguyên liệu chứa dầu rất giá trị cho tóc và da đầu của chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu về những lợi ích tuyệt vời mà dầu hạt bí ngô mang lại trong bài viết dưới đây.
Dầu hạt bí ngô là gì?
Dầu hạt bí ngô là một loại dầu quý giá được chiết xuất từ hạt bí ngô. Nó không chỉ được sử dụng phổ biến trong ẩm thực với hương vị độc đáo và hấp dẫn, mà còn có nhiều ứng dụng khác trong việc cung cấp dinh dưỡng cũng như chăm sóc tóc và da đầu.
Dầu hạt bí ngô có chứa những chất gì?
Dầu hạt bí ngô có màu xanh lục sẫm, chứa hàm lượng axit béo tự do cao bao gồm bốn loại axit béo chính (oleic, linoleic, palmitic và stearic) chiếm 98% tổng lượng axit béo. Dầu hạt bí ngô còn là nguồn thực phẩm dồi dào protein tự nhiên, axit béo không bão hòa như omega 3, 6 và 9, carotene, lutein, vitamin như carotenoid và tocopherol, phytosterol và các nguyên tố vi lượng như kẽm và selen [1].
Khoa học đã chứng minh dầu hạt bí ngô có thể được sử dụng như một chất hỗ trợ điều hòa miễn dịch, sức khỏe sinh sản và điều trị cho nhiều tình trạng bệnh lý khác. Ngoài ra, omega 3 và 6 trong dầu hạt bí ngô rất quan trọng đối với não bộ và cơ thể, cũng như ngăn ngừa và cải thiện các vấn đề về bàng quang và tuyến tiền liệt [2].
Lợi ích của chiết xuất sâm cho tóc và da đầu
Dầu hạt bí ngô chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho tóc và da đầu, mang lại nhiều lợi ích như sau:
Đối với tóc:
- Giảm rụng tóc: Dầu hạt bí ngô chứa phytosterol, một loại hợp chất có tác dụng ức chế enzym 5-alpha reductase, nguyên nhân chính dẫn đến rụng tóc. Ngoài ra, dầu hạt bí ngô có đặc tính chống viêm do có chứa các hợp chất chống oxi hóa như vitamin E và carotene, giúp làm giảm tổn thương do gốc tự do và kích ứng trên nang tóc, từ đó ngăn ngừa rụng tóc [2].
- Kích thích mọc tóc: Dầu hạt bí ngô cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của tóc như vitamin B7 (biotin), axit béo và các khoáng vi lượng… giúp tóc mọc dày và khỏe mạnh hơn. Trong một nghiên cứu năm 2014, nam giới bị hói đầu sử dụng viên uống chứa 400mg dầu hạt bí ngô mỗi ngày trong 24 tuần có tóc mọc nhiều hơn 40% so với những người dùng giả dược. Một nghiên cứu khác về so sánh tác dụng kích thích mọc tóc giữa dầu hạt bí ngô và minoxidil ở nữ giới đã cung cấp thêm bằng chứng về hiệu quả tăng mọc tóc của dầu hạt bí ngô [3], [4].
- Dưỡng tóc mềm mượt: Dầu hạt bí ngô chứa nhiều axit béo omega 3 và omega 6, giúp dưỡng ẩm cho tóc, làm tóc mềm mượt, bóng khỏe và giảm xơ rối.
Đối với da đầu:
- Dưỡng ẩm cho da đầu: Dầu hạt bí ngô chứa nhiều các axit béo như omega 3, 6 và 9 có khả năng thẩm thấu sâu vào da đầu, cung cấp độ ẩm cần thiết, giúp da đầu mềm mại và khỏe mạnh.
- Giảm ngứa da đầu: Dầu hạt bí ngô rất giàu kẽm, giúp cải thiện và duy trì sức khỏe da đầu bằng cách ngăn ngừa gàu, nấm da đầu và các vấn đề về da đầu khác [5].
- Chống lão hóa da đầu: Dầu hạt bí ngô chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ da đầu khỏi tác hại của các gốc tự do và ngăn ngừa lão hóa da đầu [6].
Cách sử dụng dầu hạt bí ngô cho tóc và da đầu
Massage da đầu: Lấy một lượng dầu hạt bí ngô vừa đủ, thoa lên da đầu và massage nhẹ nhàng trong 5-10 phút để thúc đẩy lưu thông máu xung quanh nang tóc, cung cấp oxi và chất dinh dưỡng cho tóc khỏe mạnh. Sau đó, ủ tóc trong 30 phút đến 1 tiếng rồi gội đầu như bình thường.
Làm mặt nạ tóc: Trộn dầu hạt bí ngô với các nguyên liệu khác như mật ong, sữa chua, bơ,… để tạo thành mặt nạ tóc. Thoa hỗn hợp lên tóc, ủ trong 30 phút đến 1 tiếng rồi gội đầu như bình thường.
Dầu hạt bí ngô là một nguyên liệu tự nhiên an toàn và hiệu quả để chăm sóc tóc và da đầu. Hãy kiên trì sử dụng để cảm nhận được những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại.
Lưu ý
- Nên chọn mua dầu hạt bí ngô nguyên chất, ép lạnh để đảm bảo chất lượng.
- Nên thử sản phẩm trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng cho toàn bộ da đầu.
- Nếu bạn có bất kỳ vấn đề về da đầu nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dầu hạt bí ngô.
Tài liệu tham khảo
[1] Perez Gutierrez, Rosa Martha. “Review of Cucurbita pepo (pumpkin) its phytochemistry and pharmacology.” Med chem 6.1 (2016): 12-21.
[2] Shaban, Ahmed, and Ravi P. Sahu. “Pumpkin seed oil: an alternative medicine.” International journal of pharmacognosy and phytochemical research 9.2 (2017).
[3] Cho, Young Hye, et al. “Effect of pumpkin seed oil on hair growth in men with androgenetic alopecia: a randomized, double‐blind, placebo‐controlled trial.” Evidence‐Based Complementary and Alternative Medicine 2014.1 (2014): 549721.
[4] Ibrahim, Ibrahim M., et al. “Pumpkin seed oil vs. minoxidil 5% topical foam for the treatment of female pattern hair loss: A randomized comparative trial.” Journal of cosmetic dermatology 20.9 (2021): 2867-2873.
[5] Yasir, Ayesha Mustafa, and Sania Muneer. “Phytochemical analysis and evaluation of Cucurbita maxima seeds extract against Malassezia furfur Anum Fiaz1, Kanwal Ashiq1, Shafiq Ali Shah1, Muhammad Shafeeq ur Rehman2, Saleha.” 19.7 (2023): 1015-1031
[6] Patel, Dolly M., Kuntupalli Sandhya Rani, and Pragnesh Patani. “A COMPREHENSIVE REVIEW OF BOTANICAL INGREDIENTS LIKE PUMPKIN SEEDS, BLACK CUMIN SEEDS AND BURDOCK ROOTS AND THEIR EFFICACY FOR HEALTHY HAIR AND PREVENTING PREMATURE GRAYING OF HAIRS.” Journal of Population Therapeutics and Clinical Pharmacology 31.1 (2024): 2171-2188.